trung tâm bảo tồn di tích cố đô huế nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình huế
close
Giới thiệu
Tin tức - sự kiện
menu_open

Điểm di sản văn hóa thế giới

Xem cỡ chữ:
|
Nghệ thuật Tuồng - một giá trị di sản
Tuồng (Hát Bội) là một loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo, tuy ra đời ở Đàng Ngoài, nhưng tuồng lại tìm thấy đất hứa ở Đàng Trong.
Điện thoại:

Theo các nhà nghiên cứu về tuồng thì nghệ thuật tuồng bắt đầu manh nha hình thành từ thời Trần với ba điều kiện đã chín muồi. Trước hết là nghệ thuật ca, múa, nhạc và diễn trò phát triển; hai là có sự tác động của hí khúc Trung Quốc qua hiện tượng Lý Nguyên Cát; ba là sự xuất hiện của bộ phận văn chương chữ Nôm. Tuồng cứ thế hình thành nhưng có phần chậm chạp ở các thế kỷ XV - XVI. Từ thế kỷ XVII, tuồng bước vào thời kỳ phát triển để dần hoàn thiện.Và những khía cạnh quan trọng nhất được đề cập trong tuồng, đặc biệt là:

1. Đối tượng phản ánh.

2. Nhân vật trung tâm.

3. Nghệ thuật xây dựng hình tượng.

4. Ngôn ngữ văn học.

Đây là những giá trị nghệ thuật mang tính lịch sử đã được nhiều thế hệ yêu thích, dù có lúc tưởng chừng như loại hình này bị lãng quên dưới lớp bụi thời gian.

 I/ SƠ LƯỢC VỀ SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN TUỒNG Ở HUẾ:

Năm 1627, Đào Duy Từ là người đầu tiên đã mang về cho chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên nghệ thuật tuồng (hát bội). Giới nghệ nhân tuồng và cổ nhạc Huế đến nay vẫn thờ Đào Duy Từ làm tổ sư và coi 1627 là niên đại khởi đầu của lịch sử Tuồng Huế. Nghệ thuật Tuồng Huế đã trải qua ba thế kỷ phát triển trong dòng truyền thống văn hóa Phú Xuân và phát tích rực rỡ dưới triều đại các vua nhà Nguyễn. Vua Tự Đức đã từng tổ chức hàng ngũ sáng tác tuồng bao gồm những tác gia lỗi lạc trong nước, đứng đầu là Đào Tấn, sau này là tác giả kiệt xuất của nhiều vở tuồng nổi tiếng. Tuồng đã được biểu diễn trong các Nhà hát như: Duyệt Thị đường, Tĩnh Quang viện, Thông Minh Đường, Khiêm Minh đường...

Bình Định là nơi Đào Duy Từ dừng bước đầu tiên, cũng là nơi được coi là đất phát sinh của nghệ thuật tuồng. Dù có nhiều ý kiến khác biệt nhau về mốc thời gian Đào Duy Từ vào Nam, Nhưng họ Đào là người được ghi nhận đưa tuồng vào Nam đầu tiên. Ngành tuồng ở Huế vẫn có truyền thuyết nói đến việc Đào Duy Từ là người đầu tiên dạy tuồng ở miền Nam thế kỷ XVII . Những Đại lễ và vũ khúc vua chúa Việt Nam viết: “Từ đời chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613 -1635), Lộc Khê Hầu Đào Duy Từ (1575 -1634); lập ra Hòa Thanh Thự luyện tập một ban vũ và nhạc để múa hát vào những ngày khánh lễ. Hòa Thanh thự gồm 3 đội, mỗi đội có một xuất đội và 120 người lính đều thuộc quyền viên phó quảng điều khiển. Vũ sinh tuyển cả con trai lẫn con gái. Đội nhất và đội ba trông coi về nhạc, đội nhì trông coi về ca và vũ”.(1)

 Diễn viên Tuồng đồng ấu dưới triều Nguyễn
Diễn viên tuồng Đồng ấu

Hát tuồng dân gian đưa vào cung đình mà điểm xuất phát là từ vùng Bình Định rồi lan đến Phú Xuân. Và chính nơi đây loại hình nghệ thuật này đã được các chúa Nguyễn trọng dụng, khuyến khích phát triển do nội dung tuồng phù hợp với chủ trương của chế độ đương thời “phù Lê diệt Trịnh”, tôn trọng dòng dõi đế vương. Chính thống đồng nghĩa với chính nghĩa.

Dưới thời vua Tự Đức, hàng trăm vở tuồng đã được sáng tác, hàng trăm đào, kép giỏi quy tụ về kinh đô. Vua Đồng Khánh thì mê tuồng đến nỗi đã dùng tên các nhân vật trong vở tuồng ông yêu thích để đặt cho các cung nữ. Còn vua Thành Thái cũng say sưa với nghệ thuật tuồng và rất trọng các đào, kép giỏi, ông không chỉ ban thưởng tiền bạc mà còn phong tước hiệu cho nhiều bậc thầy tuồng (hát bội). Ông là Hoàng đế duy nhất của triều Nguyễn đã lên sân khấu diễn tuồng "đóng trò" đồng thời là một tay trống tuồng tài ba. Vua Khải Định cũng đam mê với tuồng. Ông đã thiết lập hẳn một nơi diễn tuồng riêng tại cung An Định, ban xiêm y tốt cho các đoàn hát, tạo điều kiện cho các tài năng phát triển... Từ sau thời Tự Đức, Tuồng Huế dần vượt ra khỏi cung đình và trở thành sân khấu của quần chúng bình dân. Nhiều người đã tự đứng ra lập gánh hát, nuôi "đào", "kép" riêng và ganh đua với nhau. Nghệ thuật tuồng từ đó sống và phát triển được nhờ công chúng.

Tại kinh đô Huế, các rạp hát bắt đầu mọc lên khắp nơi, sân khấu tuồng từ trước vốn có chỉ phục vụ vua quan triều đình, dần dần lan ra chiếm lĩnh ở những nơi công cộng. Những rạp hát nổi tiếng ở Huế trước năm 1945: Bắc Hòa, Nam Hòa, Đồng Xuân Lâu, Kim Long, An Cựu, Vĩ Dạ, Bao Vinh...Tên tuổi những cô đào tài sắc vẹn toàn vẫn còn thời Khải Định như: cô Thuôi, cô Ba Lài, cô Bạch Trúc, cô Cầm, cô Cháu Em, cô Nghè Đồng, cô Ba Vĩnh... Hơn 50 rạp hát khắp Đông Dương bấy giờ vang dội tiếng hát, tiếng trống của sân khấu tuồng Huế.

 II. NHỮNG GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT CỦA TUỒNG CUNG ĐÌNH HUẾ:

Cũng như các loại hình nghệ thuật khác, Tuồng cung đình là nơi có khả năng chứa đựng toàn bộ thế giới tinh thần của con người. Bởi ngoài là tấm gương phản chiếu cuộc đời, nó còn là một phương tiện để con người phản ánh đời sống của xã hội đương thời. Do vậy, sân khấu Tuồng cung đình là nơi có ca, múa, nhạc, họa; có thơ, văn, kịch, kiến trúc; có triết học, mỹ học, tâm lý học, xã hội học; có chính trị, đạo đức, tôn giáo, lịch sử, dân tộc; có niềm vui, nổi buồn; có thương, yêu, oán, giận, suy tư; có cái cười, cái khóc, cái sống, cái chết, cái hy vọng; có hiện tại, tương lai... Nó là vũ trụ, là toàn bộ thế giới của con người.

Trong nghệ thuật Tuồng cung đình Huế, nhân vật được sắp xếp theo mô hình mà nhà nghề gọi là: Đào, Kép, Lão,Vua, Quan, Tướng Soái...Tất cả các nhân vật đó đều căn cứ vào tính cách do vở tuồng qui định mà xếp ra loại trung, nịnh hoặc thiện, ác... Dù tác giả không mách bảo với người xem, nhưng khi thưởng thức những giá trị của nghệ thuật tuồng được biểu diễn trên sân khấu, người xem chỉ cần căn cứ vào cách tô vẽ mặt và màu sắc của các bộ phận trên khuôn mặt diễn viên mà hiểu được tính cách của nhân vật. Đó là thứ tín hiệu mang một ngữ nghĩa rõ ràng. Do vậy, khi nhân vật xuất hiện, thoạt nhìn người xem có thể nhận ra tính cách, vị trí xã hội của nhân vật.

Người trung mặt đỏ đôi tròng bạc
Đứa nịnh râu đen mấy sợi còi.                 

Ngôn ngữ văn học của tuồng và đặc biệt là Tuồng cung đình là rất công phu, điêu luyện và tuân theo những nguyên tắc chặt chẽ. Lời thơ dùng cho các điệu Bạch hoặc Xướng trong Tuồng cung đình phải theo thể 4 câu 7 chữ và bằng chữ Hán. Ví dụ, Lã Bố trong "Phụng Nghi Đình" Bạch:

Thiên phú ngô hề địa tái ngô
Vũ trụ ngang tàng nhất trượng phu
Tam quốc anh hùng thuỳ cảm địch?
Phụng Tiên thanh thế cổ kim vô.

(Trời che ta chừ, đất chở ta
Một trượng phu ngang tàng trong vũ trụ
Anh hùng ba nước ai dám đương đầu?
Thanh thế của PhụngTiên xưa nay không ai có)

Lời văn của Tuồng cung đình phải nghiêm chỉnh, trang trọng, tránh tất cả những từ ngữ tục tĩu, phạm huý. Ngôn ngữ của Tuồng cung đình là ngôn ngữ do triều đình chế định. Triều đình nhà Nguyễn đã lập ra ban Hiệu thư để lo việc biên soạn tuồng. Trong kho tàng tư liệu sân khấu hiện còn ghi lại tới 500 bản tuồng, có những vở dài gần 100 hồi, diễn 100 đêm như vở “Vạn Bửu trình tường”, “Quần Phương hiến thụy”... do các tác giả Đào Tấn, Ngô Quý Đồng, Trương Khắc Dụng sáng tác. Cũng vì sự kiểm duyệt khắc nghiệt của triều đình phong kiến, nên các tác giả phải mượn chuyện của Trung Quốc để thể hiện gián tiếp hiện thực đen tối trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Ngoài ra, cũng có những vở tuồng trực tiếp phản ánh những mâu thuẩn gây gắt trong nội bộ các tập đoàn phong kiến phản động như vở “Sơn Hậu”, “Tam nữ đồ vương”.

Nghệ thuật Tuồng cung đình không đi theo con đường tả thật mà tả thần. Tả thần có nghĩa là không đi vào chi tiết cụ thể, tỉ mỉ của đối tượng, mà tóm thu đối tượng, miêu tả bằng một nét khái quát nhất, làm sao gạn lọc lấy những điểm cốt lõi cần nói, chứ không đi vào các chi tiết phụ thuộc. Tuân theo nguyên lý đó nên khi diễn tả người đi ngựa, diễn viên chỉ cầm chiếc roi ngựa, khi diễn tả buổi yến tiệc, người diễn viên chỉ cầm chén uống rượu là đủ. Bởi vậy khi xem một vở tuồng, thấy diễn viên cầm các vật: cái chén, cây roi, mái chèo, cành cây... khán giả biết ngay anh ta đang làm gì, trong hoàn cảnh nào. Đạo cụ mà nghệ thuật tuồng đưa lên sân khấu đều là những vật thật được sử dụng để gợi ý điều mà khán giả phải tự tưởng tượng lấy, hay hình dung những việc làm cụ thể. Bởi vậy bà Mikiêvich, một nhà lý luận sân khấu Ba Lan đã phát biểu: "Sân khấu cổ điển Việt nam là một loại hình sân khấu rất thông minh và tin ở sự thông minh của khán giả”(2)

Nội dung của Tuồng cung đình là những chuyện xảy trong đời sống cung đình, dù có những lớp xảy ra ở biên ải, ở gia đình các vị quan lại, thậm chí ở một quán ven đường, ở núi rừng hay sông suối cũng đều bắt nguồn từ những chuyện cung đình - những chuyện "Quốc gia đại sự".

Mở đầu là triều đình tương đối ổn định, trăm họ yên hoà, nhưng vua đã già yếu và một viên đại thần có thế lực nhất là Thái sư đang có âm mưu phản loạn. Tiếp theo, vua băng (chết) thế là tên Thái Sư kia thực hiện việc chiếm đoạt ngai vàng. Thông thường tên này lấy cớ Thái Tử còn nhỏ chưa đủ tư cách làm vua hoặc lấy cớ vua không có con trai. Hắn có thể dùng phe cánh làm áp lực để hắn lên ngôi. Thế là xung đột kịch mở đầu gây gắt. Chiếm đoạt ngai vua tên Thái sư - nay là vua Ngụy, sắp đặt lại bộ máy triều đình, cân nhắc phe cánh của hắn vào những địa vị chính yếu. Hắn giết hay bỏ ngục những ai có tư tưởng chống đối.

Trước cuộc biến loạn lớn của triều đình, hàng ngũ những cận thần trung thành với dòng họ vua củ cùng nhau bí mật lập mưu cơ để phục nghiệp. Họ là những con người kiên cường, suốt cuộc chiến đấu đã hoàn toàn hy sinh tất cả những riêng tư, đem hết mình phục vụ cho lý tưởng xã hội, lý tưởng phục nghiệp. Cuối cùng, sau khi vượt qua bao gian khổ, phe chính nghĩa tiêu diệt được bọn nguỵ triều.

Các vở tuồng mang tính cung đình không có nhân vật chuyển biến. Ai tốt, ai xấu, ai trung nghĩa, ai gian tà... đều được biểu hiện ngay từ đầu và cứ thế mà phát triển lên. Không có ai lúc đầu trung chính sau biến thành gian tà hay ngược lại. Các nhân vật chính nghĩa trong Tuồng cung đình đều có một đời sống rất sóng gió và nội tâm thường biến động gây gắt. Nhiều trường hợp tình cảm của họ phát triển đến tột cùng của xót đau, hờn giận, căm ghét...Và cũng từ đó hành động của họ phát triển mạnh thêm, quan điểm, tư tưởng của họ càng sáng tỏ.

Tuồng cung đình Huế là một loại hình sân khấu mang đầy đủ giá trị nghệ thuật. Bởi vậy, việc bảo tồn và phát huy vốn cổ này là một điều cấp thiết. Tuy nhiên, để nghệ thuật Tuồng cung đình trở lại đỉnh cao, điều đó đòi hỏi các nhà nghiên cứu và các nghệ sĩ trẻ hôm nay biết tìm tòi, tìm lại những tư liệu ít ỏi mà cha ông chúng ta để lại. Và chúng tôi, những người đang trực tiếp làm công tác nghiên cứu, bảo tồn, biểu diễn mong muốn những giá trị của loại hình nghệ thuật này sẽ trở lại đỉnh cao và tồn tại mãi mãi với thời gian.

 III. NHỮNG THỰC TRẠNG VẪN ĐANG CÒN TỒN TẠI:

Từ ngàn xưa, người Việt Nam đã có một đời sống tinh thần vô cùng phong phú. Có lẽ đời sống tinh thần đó là cốt lõi của ý thức hệ đã chi phối cả vào trong đời sống nghệ thuật. Nên chăng, công cuộc bảo tồn và phát huy những bản sắc của dân tộc Việt về văn hóa nói chung, nền nghệ thuật sân khấu truyền thống nói riêng cũng phải bắt đầu từ đó. Tuy nhiên, ngoài Nhã nhạc một kiệt tác đã được UNESCO công nhận, thì nghệ thuật tuồng nói chung và Tuồng cung đình Huế nói riêng vẫn đang tìm một hướng đi để làm sao vừa bảo tồn, nhưng cũng vừa phát huy được những giá trị của nó. Đây là câu hỏi vẫn còn đang bỏ ngỏ...?

Quay nhìn lại một chặng đường từ khi hình thành cho đến nay, chúng ta có thể thấy rằng: Hiện nay, cũng giống với nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, nghệ thuật tuồng Huế đang bị lớp trẻ xa rời do họ đang và được tiếp xúc với nhiều loại hình nghệ thuật cũng như nhiều trào lưu văn hóa mới, nhưng đó chỉ là yếu tố khách quan. Cái chính vẫn là do chúng ta chưa phổ cập rộng rãi trong giới trẻ để họ cảm nhận được cái hay, cái đẹp của nghệ thuật truyền thống. Đã nhiều lần nghệ thuật tuồng cũng đã được đưa vào giới thiệu ở các học đường nhưng chỉ mới mang tính hình thức...

Trong những năm gần đây, Nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình dưới sự chỉ đạo sát sao của Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cũng đã tiến hành phục hồi và cho tiến hành dàn dựng một số trích đoạn Tuồng cổ như:

1. Kỷ Lan Anh.

2.Đào Tam Xuân.

3. Lý Phụng Đình.

4. Kim Lân Biệt Mẹ (Sơn Hậu)  

5. Kim Lân Qua Đèo (Sơn Hậu)

6. Ôn Đình Chém Tá (Sơn Hậu)

7. Nguyệt Cô Hoá Cáo.

8. Quan Công Cử Binh.  

9. Tế Sống…  

10.Quần Phương Tập Khánh (Hồi I).  

Ngoài các trích đoạn nói trên thì chỉ có vở tuồng “Ngọn Lửa Hồng Sơn” là được phục dựng lại nguyên vẹn. Qua đó chúng ta có thể nhìn thấy được một thực trạng đáng buồn là chúng ta chưa có sự đầu tư một cách đúng mức cho nghệ thuật tuồng. Ngoài ra, do chạy theo lợi nhuận của việc hoạch toán kinh tế nên chúng ta chỉ biểu diễn các loại hình nghệ thuật ăn khách và đã quên đi việc bảo tồn. Chính vì vậy mà hiện nay những công trình nghiên cứu về tuồng vẫn còn là hiếm, ngoài một số cuốn sách nói về tuồng của các tác giả: Hoàng Châu Ký, Mịch Quang, Tôn Thất Bình và một số bài viết nói về nghệ thuật tuồng thì vấn đề cụ thể hóa như: dàn dựng nguyên vẹn lại các vở tuồng cổ, và đặc biệt là  phục hồi các trích đoạn, các vở Tuồng đã từng biểu diễn trong cung đình vẫn còn quá ít ỏi, điều này khiến loại hình nghệ thuật này khó có thể bảo tồn được một cách nguyên vẹn.

Tuồng Huế và đặc biệt là Tuồng cung đình là một thể loại kịch sân khấu truyền thống, nó được sáng tác bởi các quan lại dưới sự bảo trợ của triều đình nhà Nguyễn, tập trung nhất là dưới thời vua Tự Đức, như các vở: Vạn Bửu Trình Tường, Quần Phương Hiến Thụy... Tháng 7 năm 2000 đã có một cuộc hội thảo mang tầm vóc quốc gia với chủ đề "Bảo tồn và phát huy giá trị Tuồng cung đình Huế". Tuy vậy, những cố gắng  đó vẫn chưa đem lại kết quả khả quan.


 IV. MỘT SỐ GIẢI PHÁP BẢO TỒN:

Khi cơ cấu xã hội thay đổi, chế độ phong kiến bị sụp đổ, nghệ thuật tuồng cũng mất dần đi môi trường diễn xướng của nó là phục vụ các ông Hoàng, bà chúa trong chốn cung đình xưa. Lúc này, tuy những giá trị nghệ thuật của nó không mất đi khi chúng hòa nhập trở lại với dân gian, song những tư liệu thành văn trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, sự khốc liệt của chiến tranh tồn tại cho đến bây giờ ít nhiều rất dễ dẫn đến sự “tam sao thất bản”. Theo chúng tôi có một số giải pháp trước mắt mà chúng ta cần phải làm:

Nhanh chóng cho thành lập các hồ sơ khoa học nghiên cứu về Tuồng và đặc biệt truy tìm những vở tuồng đã từng biểu diễn trong cung đình.

Cần có chính sách đãi ngộ cụ thể với các nghệ nhân, nghệ sĩ và xây dựng tầm chiến lược lâu dài để nghệ thuật tuồng có thể biểu diễn phục vụ khán giả mà không phụ thuộc vào kinh tế.

 Đẩy mạnh việc phổ cập sâu rộng như: đưa nghệ thuật tuồng vào học đường một cách có hệ thống chứ không mang tính phong trào như hiện nay.

Nghệ thuật tuồng và đặc biệt là Tuồng cung đình là một loại hình sân khấu mang tính lịch sử rất cao, do đó ngôn từ được sử trong các vở tuồng vẫn có tính lịch sử của nó, nên chăng vấn đề dịch thuật chúng ta cũng cần phải chú ý để các kịch bản cổ dù đã chuyển ngữ nhưng vẫn mang đầy đủ nội dung muốn chuyển tải đến người xem, vấn đề này chúng ta cần phải có người chuyên sâu. Một vấn đề nữa là để tránh tình trạng mỗi lần dàn dựng các đạo diễn thường “lấy râu ông nọ chắp cằm bà kia”, chúng ta nên tìm những đạo diễn có chuyên ngành, có quá trình hoạt động  trong lĩnh vực chuyên môn của nghệ thuật tuồng...

Tiền nhân của chúng ta đã để lại một nền nghệ thuật đồ sộ, và cũng để lại rất ít những sách, những văn bản tư liệu mang tính thi pháp về nghệ thuật. Bởi vậy, khi làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Tuồng Huế hay Tuồng cung đình, cần phải học cách tư duy trên những qúa trình lao động, lúc đó chúng ta mới tìm ra được giá trị đích thực của một nền nghệ thuật đã và đang ngày bị mai một.

Trọng Bình
Các bài khác