trung tâm bảo tồn di tích cố đô huế nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình huế
close
Giới thiệu
Tin tức - sự kiện
menu_open

Loại hình nghệ thuật đang biểu diễnchevron_rightNhã nhạc

Xem cỡ chữ:
|
Nhã nhạc
Nhã nhạc đồng nghĩa với nhạc lễ cung đình, nó bao hàm tất cả các tổ chức dàn nhạc lễ. Thuật ngữ nhã nhạc có liên quan đến âm nhạc cung đình có mặt tại 4 nước đồng văn: Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam.
Điện thoại:

Nhã nhạc xuất hiện đầu tiên ở Trung Quốc dưới thời nhà Chu (thế kỷ VI – tk III TCN). Về sau, nhã nhạc được lan toả sang các nước láng giềng như: Nhật Bản (tk VIII), Triều Tiên ( tk XII), Việt Nam (tk XV). Tuy được xem là tài sản chung nhưng nhã nhạc của mỗi nước đều có điểm riêng biệt. Ở Việt Nam, nhã nhạc bắt đầu xuất hiện vào thế kỷ XV, nhưng phải đến thời kỳ nhà Nguyễn mới phát triển rực rỡ và đạt đến trình độ uyên bác.

 Ý nghĩa của  thuật ngữ Nhã nhạc có khác nhau qua từng thời kỳ, nhưng nhìn chung nó vẫn giữ nguyên là loại âm nhạc chính thống của triều đình, đối lập với âm nhạc dân gian. Ngoài ra, Nhã nhạc còn mang một nghĩa hẹp, khi thì chỉ một tổ chức âm nhạc cung đình nhà Lê (thự nhã nhạc), khi thì chỉ một loại dàn nhạc trong cung đình triều Nguyễn. Nhưng những nghĩa hẹp này chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn và biến mất. Ngày nay, trong bối cảnh giao lưu quốc tế, Nhã nhạc được hiểu theo ý nghĩa nguyên thuỷ của nó, tức là nhạc chính thống mang tính lễ nghi, được sử dụng trong các triều đình quân chủ Việt Nam cũng như tại các nước đồng văn.

Tháng 11 năm 2003, Nhã nhạc Việt Nam chính thức được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hiệp quốc - Gọi tắt là UNESCO, công nhận là “Kiệt tác di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại”. Đây là di sản văn hoá phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được thế giới công nhận tính đến thời điểm hiện tại. Nhã nhạc hiện nay chỉ tồn tại dưới hai tổ chức dàn nhạc, đó là: Đại nhạc và Tiểu nhạc.

1. Đại Nhạc:

Là dàn nhạc hết sức quan trọng trong hệ thống nhạc lễ cung đình Huế. Nó là dàn nhạc diễn tấu với những trình thức quan trọng nhất trong các buổi lễ, thường được dùng trong các lễ tế như: Tế Nam giao, tế miếu, Đại triều …Đây là dàn nhạc có âm lượng lớn.  Nhạc cụ chủ yếu vẫn là dàn trống và kèn. Cấu tạo của dàn Đại nhạc:- 2 bộ gõ và bộ hơi, gồm 4 chủng loại, với trên 40 nhạc cụ. Tuy nhiên, so với các dàn Đại nhạc được mô tả trong các dữ liệu thì dàn Đại nhạc hiện nay có biên chế gọn nhẹ hơn.

Cấu trúc nhạc cụ dàn Đại nhạc gồm:

Bộ gõ:
- Trống đại  : 01 cái
- Trống chiến : 01 hoặc nhiều hơn phụ thuộc vào số lượng kèn, theo tỉ lệ 1:1
- Bồng : 01 cái
- Não bạt ( xập xoã) : 01 cái
- Mỏ sừng trâu  : 01 cái
- Trống cơm  : 01 cái

Bộ hơi:
- Kèn bầu (kèn đại)
- Kèn lỡ ( kèn trung).
Bộ dây: - Đàn nhị (nhạc cụ phụ, chỉ dùng duy nhất khi tấu bài nam bình).
Các bài bản của đại nhạc gồm: Tam luân cửu chuyển (ba hồi chín chuyển), Đăng đàn cung, đăng đàn đơn, đăng đàn kép, đăng đàn chạy, xàng xê, nam bằng, nam ai, cung ai, cung bằng, man, mã vũ, tẩu mã, bài kèn thoét, thái bình cổ nhạc, bài kèn bóp, phú lục, bài bông, nam trĩ, kèn chiến, phần hoá, phát, hiệp, khai trường.

2. Tiểu nhạc:
So với Đại nhạc, thì các bài bản âm nhạc của hệ thống Tiểu nhạc tương đối ổn định hơn. Bài bản âm nhạc mang màu sắc trang nhã, vui tươi, thường được dùng trong các buổi yến tiệc của triều đình, trong các lễ đại khánh, dịp tết nguyên đán. Chất liệu dễ đi vào lòng người, không quá trang nghiêm hoặc quá sầu bi như các bài bản của đại nhạc. về âm lượng nó không quá lớn như đại nhạc. Nhiều bài bản tiểu nhạc còn có lời ca. Cấu trúc nhạc cụ dàn tiểu nhạc:

Bộ gõ:
- Trống bản. - Phách tiền.
- Não bạt.  - Tam âm la.
- Mõ sừng trâu. - Trống chiến (sử dụng hạn chế)

Bộ hơi: - Sáo.
Bộ dây: 
 - Đàn tam - Đàn nhị
 - Đàn tỳ - Đàn nguyệt
Các bài bản chính thống của tiểu nhạc hiện nay đang được biểu diễn:
Hệ thống 10 bài liên hoàn ( hay thập thủ liên hoàn) gồm: Phẩm tuyết, nguyên tiêu, hồ quảng, liên hoàn, bình bán, tây mai, kim tiền, xuân phong, long hổ, tẩu mã. Các bài bản khác: - Ngũ đối thượng, ngũ đối hạ, long ngâm, long đăng, tiểu khúc, phú lục địch, phụng vũ, bài thiều.