trung tâm bảo tồn di tích cố đô huế nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình huế
close
Giới thiệu
Tin tức - sự kiện
menu_open

Điểm di sản văn hóa thế giới

Xem cỡ chữ:
|
Múa cung đình huế - một giá trị nghệ thuật
Nghệ thuật Múa Cung đình mang đậm tính triết lý và thẩm mỹ phương Đông. Trong múa cung đình, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các động tác múa, sự di chuyển đội hình theo các tuyến, ngang, dọc, xéo cộng với việc tạo hình tượng theo hình khối làm nên nét đặc trưng riêng biệt, điển hình là các điệu: Lục cúng hoa đăng, trình tường tập khánh, phụng vũ, tứ linh, vũ phiến... Nghệ thuật cung đình nói chung và các vũ khúc cung đình Huế nói riêng là những sản phẩm mang tính kế thừa của chế độ phong kiến tồn tại hàng nghìn năm và kết tinh dưới thời nhà Nguyễn.
Điện thoại:

LỊCH SỬ  CỦA MÚA CUNG ĐÌNH

Trải qua thời gian, chính hơi thở của đời sống văn hóa nghệ thuật đã từng ngày thổi vào loại hình này những sắc thái mới của cuộc sống để đưa nó trở thành một loại hình nghệ thuật hoàn thiện nơi chốn cung vua, phủ chúa. Múa cung đình có từ thời tiền Lê. Đến thời Lý, sự kiện Lý Thánh Tông trong cuộc Nam chinh đã bắt hàng trăm cung nữ giỏi múa hát khúc Tây Thiên mang về Thăng Long (1044), tạo nên một phong cách mới cho múa của người Việt. Đến đời Trần, dưới thời Trần Thái Tông hình thức múa hát tập thể đã khá phổ biến trong chốn cung đình. Tuy nhiên, múa cung đình lúc bấy giờ chủ yếu là nặng về nghi lễ, tính chuyên nghiệp và nghệ thuật chưa cao. Hơn nữa, Nho giáo lúc này ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến xã hội phong kiến Việt Nam, nghề hát bị coi khinh là “xướng ca vô loại”. Đến giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa lập ra Triều Nguyễn, lúc này múa cung đình đã có nhiều thay đổi và múa cung đình Huế cũng bắt nguồn từ đó.

Dưới các triều đại phong kiến Việt Nam trong những dịp quốc lễ, quốc khánh thì ở cung vua, phủ chúa đều có trình diễn ca, vũ. Tuy nhiên, những vũ khúc cung đình cổ đã bị thất truyền rất nhiều, đến đời Nguyễn chỉ còn lại 11 vũ khúc với lời hát hoàn toàn bằng chữ Hán như: Bát dật, Lục cúng hoa đăng, Tam tinh chúc thọ, Bát tiên hiến thọ, Trình tường tập khánh, Song quang         (Đấu chiến thắng Phật), Tứ linh, Nữ tướng xuất quân, vũ phiến (múa quạt), Tam quốc - tây du, Lục triệt hoa mã đăng. Các vũ khúc này được trình diễn vào những ngày lễ Thánh thọ (Sinh nhật Hoàng thái hậu), Tiên thọ (sinh nhật Hoàng thái phi), Vạn thọ (sinh nhật vua), Thiên xuân (sinh nhật Hoàng thái tử), Thiên thu (sinh nhật Hoàng hậu). Ngoài những lễ kể trên, múa cung đình còn được biểu diễn vào các ngày lễ như: Hưng quốc khánh niệm, tết nguyên đán, lễ kết hôn của Hoàng tử hoặc công chúa và các dịp tiếp đãi sứ thần ngoại quốc. 

 Có thể nói, múa cung đình Huế là một bước chuyển tiếp của múa cung đình các triều đại trước đó để đi tới sự hoàn mỹ. Và bắt đầu bằng sự kiện dưới thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613 - 1635), Đào Duy Từ vì xuất thân con nhà xướng hát không được đi thi nên đã phẩn chí quyết vào Nam phò giúp chúa Nguyễn. Chính Đào Duy Từ là người đầu tiên tạo tiền đề cho múa hát cung đình Huế. Ông đã lập ra Hòa Thanh Thự, luyện tập một ban vũ và nhạc để múa hát vào những ngày khánh lễ. Đào Duy Từ là người có công sửa lại các điệu múa cung đình cổ trước đó và sáng tác ra một số điệu múa khác. Tác giả Đại nam liệt truyện tiền biên và Việt cầm sử thoại viết “Duy Từ có công ngoài đánh chúa Trịnh, trong mở đất Chiêm Thành, làm cho dân giàu nước thịnh. Về nghệ thuật, ông sửa lại các lối hát và các điệu múa cổ; đặt ra điệu múa Song quang, điệu múa Nữ tướng xuất quân, điệu múa Tam quốc - Tây du dùng khi quốc gia đại lễ. Trong nhà ông lúc nào cũng nuôi một bọn ca vũ để múa hát”. Múa cung đình Huế là những sáng tác của nghệ sĩ cung đình, trong đó có các điệu múa được dựa theo các trích truyện như: Tam quốc - Tây du, Song quang...Ngoài ra, ta có thể thấy những sáng tác của múa cung đình đều mang tính nghi lễ. Trong múa cung đình ngoài vẽ đẹp nghệ thuật thì bố cục được xắp xếp một cách tinh tế hòa quyện với không gian và môi trường diễn xướng. Chính những yếu tố này đã làm nên một nét riêng biệt trong chốn Hoàng cung. Đây có thể coi là sự sáng tạo nghệ thuật, và cho đến bây giờ câu trả lời đó vẫn được các nghệ sĩ hôm nay gửi đến người xem thông qua những vũ khúc cung đình đang còn tồn tại.  

 NHỮNG HÀNH TRÌNH HÔM NAY

Huế từng là nơi hội tụ những tinh hoa nghệ thuật của cả nước. Chính điều này đã tạo cho văn hóa Huế vô cùng phong phú, độc đáo và múa cung đình Huế là một trong những di sản đặc sắc của văn hóa cố đô. Từ khi Nhã nhạc cung đình Huế được Unesco cộng nhận là Kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại thì múa cung đình cũng từ đó “lên ngôi”. Có thể nói, đây là một điều rất hiển nhiên bởi theo NSƯT La Cẩm Vân, Giám đốc Nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình thì có nhiều hệ thống Nhã nhạc làm nền cho múa cung đình và những tác phẩm múa cung đình thường được các nghệ sĩ ngày xưa xây dựng chủ yếu dựa trên những giai điệu tiết tấu của Nhã nhạc. Trong thời gian gần đây múa cung đình Huế luôn song hành cùng Nhã nhạc trong những lần xuất ngoại để giới thiệu với thế giới về một đất nước Việt nam. Chỉ tính trong năm 2006 này, múa cung đình Huế cũng đã cùng với Nhã nhạc có một hành trình lưu diễn quốc tế rất đáng khâm phục như: 3 tháng lưu diễn tại các thành phố lớn của Tây Ban Nha, một tuần tại Hàn Quốc, 10 ngày biểu diễn để giới thiệu về văn hóa Việt nam tại Italia, gần 15 ngày giao lưu văn hóa tại Nhật...Với những lần tham gia biểu diễn mang tính quốc tế thì các nghệ sĩ múa cung đình thường mang nhiều kỷ niệm đẹp khi bạn bè quốc tế tỏ rỏ sự thán phục về một loại hình nghệ thuật của Việt nam. Ông Trương Tuấn Hải, Phó Giám đốc Nhà hát kể rằng: Trong những ngày tham gia giới thiệu văn hóa Việt nam tại Italia thì Nhã nhạc và Múa cung đình  Huế được bố trí biểu diễn trong một Nhà hát lớn của nhạc viện Italia dưới sự dẫn dắt và giới thiệu chương trình của GS Trần Văn Khê, những vũ khúc cung đình đã cùng với Nhã nhạc chinh phục khán giả trên đất nước hình chiếc ủng ngoài cả dự đoán, khi Vũ khúc cung đình “Lục cúng hoa đăng” kết thúc chương trình thì tiếng pháo tay đã kéo dài đến 30 phút, anh Hải cho biết: Tất cả diễn viên, nhạc công của Đoàn phải ra chào khán giải đến 11 lần họ mới chịu ra về. Với các nghệ sĩ hôm nay, họ luôn tự hào khi được biểu diễn những vũ khúc cung đình để giao lưu cùng bạn bè trên thế giới, bởi mỗi lần như vậy là những lần bạn bè trên thế giới xiết chặt tay họ và thốt lên...Ôi!... Việt Nam qua tuyệt vời.

...VÀ NHỮNG KẾ HOẠCH CỦA TƯƠNG LAI

Hiện nay, múa cung đình Huế đang được trình diễn thường xuyên tại Nhà hát Duyệt Thị Đường để phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế. Đây có thể xem là môi trường diễn xướng nguyên thủy của những vũ khúc cung đình dưới các vương triều nhà Nguyễn. Với NSƯT La Cẩm Vân thì yếu tố trên là một điều kiện quan trọng để biểu diễn những vũ khúc cung đình và cũng được biết, trong năm 2007 múa cung đình và Nhã nhạc cũng sẽ tiếp tục hành trình đến Châu Âu để giới thiệu cùng khán giả theo thư đã mời của một số nước.Tuy nhiên, từ khi nhà Nguyễn cáo chung, những giá trị nghệ thuật của loại hình này cũng không còn nguyên vẹn. Việc sưu tầm, nghiên cứu và khôi phục lại tất cả những vũ khúc cung đình Huế là rất khó khăn. Những người làm công tác nghiên cứu đang cố gắng từng bước đi tìm những cứ liệu lịch sử từ các nghệ nhân là nhân chứng sống, cũng như các tư liệu thành văn đang thất lạc ở các viện bảo tàng trong và ngoài nước. Từ đó, lập hồ sơ khoa học để làm chứng cứ cho việc khôi phục lại những vũ khúc cung đình đã bị thất truyền, nhằm đưa vào biểu diễn phục vụ du khách và đây cũng là một cách để bảo tồn, gìn giữ một di sản văn hóa trong kho tàng nghệ thuật của Việt Nam.

Trọng Bình
Các bài khác