Sau gần một năm điền dã, phỏng vấn, thu thập tư liệu… nhóm nghiên cứu Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) đã hoàn thành hồ sơ khoa học về bài bản Nhã nhạc “Phú lục địch”, một bài bản quan trọng trong kho tàng di sản âm nhạc cung đình Huế, từng được tôn vinh là kiệt tác tiêu biểu cho tài năng sáng tạo, cũng như thể hiện bản sắc của văn hóa Việt Nam.
“Phú lục địch” là bài bản Nhã nhạc phục vụ trong đời sống và sinh hoạt của chốn hoàng cung, đặc biệt bài bản này thường được tấu lên trong các buổi yến tiệc của triều đình và tiếp đón sứ thần… Theo các nhà nghiên cứu, đối với “Phú lục địch”, nhạc cụ Địch giữ vai trò chính được kết hợp đồng bộ, nhịp nhàng cùng với một số nhạc cụ khác như: Tam, tỳ, nhị, nguyệt, trống, sanh tiền… tất cả những yếu tố này cùng một lúc được trình tấu bằng kỹ năng điêu luyện của người nghệ sỹ đã làm nên sức sống cho bài bản. Tuy nhiên, do thị hiếu cũng như ảnh hưởng của hội nhập văn hoá trong quá trình giao lưu với các nước trong khu vực và trên toàn cầu nên nhiều bản bản Nhã nhạc đã bị biến tướng... cũng như vậy, sau khi không còn nằm trong môi trường diễn xướng của chốn cung đình, bài bản Nhã nhạc “Phú lục địch” đã hòa nhập vào môi trường diễn xướng dân gian. Tại đây, để phù hợp với điều kiện mới, bài bản này đã phải thay đổi ít nhiều nội dung và tính chất để hòa nhập được dễ dàng hơn. Do đó, hiện nay dù vẫn được trình diễn nhưng tính chân xác thì vẫn là một dấu hỏi rất cần sự quan tâm của giới chuyên môn, dù trước đây cố nghệ nhân Trần Kích đã sưu tầm, dàn dựng bài bản Nhã nhạc này cho Ban nhạc Phú Xuân (TP. Huế), và họ đã biểu diễn quảng bá bài bản này trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, để phân tích, nghiên cứu và lập hồ sơ khoa học nhằm phát huy vai trò, chức năng của bài bản Nhã nhạc “Phú lục địch”, thì đây là hồ sơ khoa học đầu tiên được xây dựng nhằm mục đích so sánh, đối chiếu để hoàn chỉnh bài bản này gần với nguyên bản.
Các nghệ sỹ Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế trình diễn bài bản Nhã nhạc “Phú lục địch”.
Nghệ nhân Trần Thảo (con trai của cố nghệ nhân Trần Kích) cho biết, cũng như ở các quốc gia Châu Á khác, dưới thời quân chủ ở Việt Nam, các bài bản Nhã nhạc nói chung, “Phú lục địch” nói riêng được xem là âm nhạc chính thống của một quốc gia, của chính quyền nhà nước và đã trở thành điển chế văn hoá của triều đại. Tuy nhiên, cùng với sự thoái trào của chế độ quân chủ, nhiều bài bản nằm trong hệ thống Nhã nhạc cung đình Huế đang dần có nguy cơ mai một và biến mất, bài bản Nhã nhạc Phú Lục Địch cũng nằm trong hoàn cảnh đó.
Theo nghệ nhân Nguyễn Quý Cát, không những bài bản Nhã nhạc “Phú ục địch” có nguy cơ thất truyền, mà nhạc cụ Địch cũng đang bị thất truyền trong dân gian. Đã từ lâu, nhạc cụ này hầu như không được các nhạc công dân gian sử dụng nữa, bởi âm vực của Địch thấp, trầm, khi thổi Địch người ta thổi ở bậc thấp: Sol, hoặc La - thấp hơn Hò 1 (các nhạc cụ thuộc dàn Tiểu nhạc thường lấy theo bậc Si giáng – gọi là Hò 1). Điều này khá bất tiện cho các nhạc công dân gian khi tham gia hòa tấu những bài bản khác, do đó Địch được các nhạc công thay thế bằng Sáo trúc. Về hiệu quả âm thanh: Sáo trúc tuy có âm thanh trong trẻo, mượt mà, bay bổng nhưng không phong phú về “màu âm” để lột tả đầy đủ tính chất của bài bản Nhã nhạc “Phú lục địch”: Vừa trầm hùng, trang nghiêm; lại vừa vui tươi, trong sáng… Dù đường nét giai điệu của bài bản Nhã nhạc “Phú lục địch” khá ngắn gọn, dễ nhớ nhờ có khúc thức rõ ràng.
Dưới đây là bản ví dụ, do Trần Thị Thu ký âm
Âm nhạc cung đình Huế, bao gồm các thể loại như: nhạc múa cung đình, nhạc tuồng cung đình và Nhã nhạc, trong đó Nhã nhạc là một giá trị di sản văn hóa đã từng tồn tại dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, rồi phát tích rực rỡ dưới triều Nguyễn. Việc bảo tồn và phát huy các bài bản âm nhạc cung đình Huế khi nó đã được sưu tầm, nghiên cứu, chuẩn hóa chính là gìn giữ những giá trị di sản văn hóa phi vật thể để chúng không bị "tam sao thất bản". Và “Phú lục địch” cũng là một trong những mảnh vỡ Nhã nhạc vừa được ghép nối để nhằm trả lại những giá trị nguyên xưa mà bài bản này vốn có.
Trọng Bình