trung tâm bảo tồn di tích cố đô huế nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình huế
close
chương trình biểu diễn
menu_open

Chương trình biểu diễnchevron_rightTuồng Cung đình

16/10/2023 2:57:39 CH
Xem cỡ chữ:
|
Tuồng cung đình
Điện thoại:

Giữ gìn giá trị đặc sắc của tuồng cung đình Huế

Tuồng cung đình Huế là loại hình nghệ thuật mang tính tổng hợp cao, trong đó có đủ cả thơ, ca, nhạc, họa và diễn xuất. Từ chốn cung đình triều Nguyễn, tuồng cung đình Huế đã lan tỏa và ít nhiều ảnh hưởng đến sân khấu tuồng cả nước với những nghệ nhân nổi tiếng đi theo cách mạng, mang nghệ thuật phục vụ nhân dân. Sau những thăng trầm của lịch sử, tuồng cung đình Huế đã được phục hồi, phát huy, nhưng phía trước vẫn còn nhiều trở ngại.

Từ chốn cung đình đến với nhân dân

Một số nghệ sĩ tuồng nổi tiếng từ Liên khu 5 theo cách mạng, tập kết ra bắc cuối năm 1954, trong đó có một số nghệ nhân tuồng cung đình Huế như Ngô Thị Liễu, Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Văn Tri... Các cụ bảo, là khán giả được xem tuồng cung đình Huế; là nghệ sĩ được biểu diễn ở Nhà hát Cung đình Huế là một điều may mắn.

Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Nguyễn Nho Túy (Đội Tảo), là người phụ trách đội tuồng cung đình Huế dưới triều Vua Bảo Đại. Ông Nho Túy đi theo cách mạng và trở thành nghệ sĩ đầu tiên là đại biểu Quốc hội. NSND Nguyễn Nho Túy cho biết: Diễn xuất tuồng trong chốn cung đình có những quy định hết sức khắt khe. Nếu ở sân đình, hoặc ở rạp hát nhân dân, diễn viên tuồng chỉ chịu “hình phạt" của các tay cầm chầu thì khi biểu diễn trên sân khấu cung đình, họ phải chịu "hình phạt” có khi bằng cả tính mạng nếu sơ suất phạm thượng. Điều đó đòi hỏi nghệ thuật tuồng cung đình Huế phải thật chỉn chu, điêu luyện, nói cách khác là phải thật chuyên nghiệp, từ kịch bản đến nghệ thuật biểu diễn của nghệ sĩ.

NSND Nguyễn Nho Túy kể: Có lần ông vào vai diễn Kim Lân (tuồng Sơn Hậu) cho vua và các quan trong triều đình nhà Nguyễn xem. Quan Bộ Lễ bảo ông rằng, khi đi qua mặt vua thì không được làm động tác giơ cao chân, nếu vi phạm phải chịu đứt đầu. Nghệ sĩ rất lo mất mạng, nhưng làm thế nào không giơ chân, múa tay được, khi diễn tuồng cổ, nhất là vai tuồng có động tác đi ngựa, vượt đèo... Cuối cùng ông xác định, để bảo toàn tính mạng thì phải bỏ động tác giơ chân trước mặt vua. Nhưng khi vào cuộc và nhập vai diễn, ông quên mình đang diễn trước mặt vua, quan. Ông diễn một cách say sưa, xuất thần, trong đó có những động tác đi ngựa giơ chân thoải mái trước mặt vua. Tuy nhiên, với tài năng biểu diễn quá xuất sắc và cuốn hút của ông, cả vua lẫn quan khi đó chẳng ai để ý đến việc nghệ sĩ đang có những động tác phạm thượng.

Theo các lão nghệ nhân tuồng cung đình Huế, loại hình diễn xướng này mang tính cổ điển, tính bác học cao, có một khoảng cách về chất lượng khá xa so với tuồng dân gian. Vua Tự Đức của triều Nguyễn say mê tuồng đến độ phải đặt ra Ban hiệu thư để một mặt biên soạn các vở tuồng mới, một mặt chỉnh lý các vở tuồng tập hợp từ dân gian và các phong trào, các xu hướng tuồng trong cả nước. Nói về tuồng cung đình, phải nhắc đến một ông quan triều Nguyễn là Đào Tấn cũng chính là nhà soạn tuồng xuất sắc với hàng chục kịch bản hay mà các thế hệ sân khấu tuồng đang thừa hưởng.

Trải qua nhiều thăng trầm, biến thiên của thời cuộc, kho tàng quý giá và đồ sộ của tuồng cung đình Huế bị thất bản khá nhiều. Đến nay, việc khai thác, phục hồi những pho tuồng hay, những vở diễn đặc sắc của các soạn giả, các nghệ sĩ nổi danh khác của tuồng cung đình Huế như: Ngô Quý Đồng, Vũ Đình Phương, Hoàng Tăng Bí, Bùi Hữu Nghĩa... chưa được bao nhiêu. Việc phục hồi tuồng cung đình Huế vẫn là một công việc gian nan, phức tạp. Ngay vị trí của Nhà hát Duyệt Thị Đường, cho đến nay vẫn chưa được xác định, vẫn còn những dấu hỏi treo lơ lửng. Ngay cả hai bộ tuồng đồ sộ Vạn bửu trình tường, Quần trân hiến thụy dài hàng trăm hồi do Vua Tự Đức chỉ đạo sáng tác và Đào Tấn là người chấp bút chính hiện cũng đang có nguy cơ thất lạc. Điều này cho thấy việc nghiên cứu, sưu tầm chưa thật kỹ, chưa thật sâu, bởi chúng ta còn thiếu đầu tư, thiếu nhiều chuyên gia tuồng thực thụ.

Các bài khác