Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huê
  

Các hoạt động của dự án Nhã nhạc do Trung tâm BTDT Cố đô Huế triển khai thực hiện trong tháng 8/2007

Trong khuôn khổ dự án Kế hoạch Hành động Quốc gia về Bảo tồn và Phát huy Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam được UNESCO tài trợ cho Huế, được sự đồng ý của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Trung tâm BTDTCĐ Huế đã tổ chức các hoạt động dưới đây:

2. Tập huấn phương pháp và kỹ năng truyền dạy Nhã nhạc và âm nhạc truyền thống ở nhà trường:

Từ ngày 23-27/8, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức khoá tập huấn về phương pháp và kỹ năng truyền dạy Nhã nhạc và âm nhạc truyền thống Việt Nam cho 60 giáo viên âm nhạc đến từ các trường THCS và tiểu học của thành phố Huế.

Khoá tập huấn do GSTS. Trần Văn Khê và Nhà giáo ưu tú Phạm Thuý Hoan trực tiếp giảng dạy. Đây là một chương trình đặc biệt nằm trong dự án bảo tồn và phát huy giá trị Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam do UNESCO tài trợ. Mục đích là để cung cấp kiến thức về Nhã nhạc và âm nhạc truyền thống Việt Nam cho các giáo viên dạy nhạc; đồng thời hướng dẫn các giáo viên phương pháp giúp học sinh lĩnh hội và quan tâm đến âm nhạc truyền thống.

Phương pháp tiếp cận mới trong giáo dục mà Giáo sư Trần Văn Khê cung cấp tại tập huấn là: học mà chơi, chơi mà học; Đối thoại không phải độc thoại; Lời nói quan trọng hơn chữ viết; Luyện tai và trí nhớ trước khi luyện mắt và phản xạ; Vận dụng 4 cách nhớ để học một bài ca, đó là: nghe rõ, thấy tỏ, viết đúng, đọc chính xác (tai, mắt, tay, miệng); dạy tiết tấu trước khi dạy giai điệu; từ cụ thể tới trừu tượng, từ gần tới xa, từ giản dị tới phức tạp; Khơi động, luyện tập óc sáng tạo của trẻ em hơn là bắt trẻ em lập lại những gì đã có và bắt các em học thuộc lòng; học sinh tự đặt các giai điệu...


Ngoài việc trang bị kiến thức tổng quát cho các giáo viên, Giáo sư Trần Văn Khê còn giảng dạy trực tiếp cho học sinh để các giáo viên thị phạm. Đồng thời các giáo viên cũng được yêu cầu thực hành giảng dạy ngay tại chỗ cho giáo sư xem.

3. Lễ báo cáo tốt nghiệp khoá đào tạo nhạc công Nhã nhạc 2 năm: Khoá nhạc công Nhã nhạc 2 năm do Trung tâm BTDTCĐ Huế phối hợp với Trường Trung học VHNT Thừa Thiên Huế đào tạo thuộc dự án bảo tồn và phát huy Nhã nhạc do UNESCO tài trợ đã chính thức kết thúc.

Đây là khoá đào tạo nghề nhạc công Nhã nhạc đầu tiên được tổ chức với một chương trình đào tạo đặc biệt được xây dựng trên cơ sở xem xét và tư vấn của các chuyên gia đầu ngành như: GS-TS Trần Văn Khê, GSTS. Tô Ngọc Thanh và TS. Văn Thị Minh Hương - Giám đốc Nhạc viện Tp. Hồ Chí Minh. Các học viên tham gia khoá học không chỉ được các nghệ nhân truyền dạy các ngón nghề mà còn được trang bị kiến thức cơ bản về văn hoá và cách ký, đọc xướng âm theo phong cách nhạc dân tộc (hò, xự, xang, xê, cống...) với những chuyên đề đặc biệt của các Giáo sư Trần Văn Khê, Tô Ngọc Thanh và chuyên gia Nhật Bản.

Ông Ngô Hòa-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Bà Vibeke Jensen-Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội, KTS. Phùng Phu-Giám đốc Trung tâm BTDT Cố đô Huế và Ông Cao Chí Hải-Hiệu trưởng Trường VHNT tỉnh đã trao chứng chỉ tốt nghiệp và chứng nhận của dự án cho 20 học viên tốt nghiệp từ lớp nhạc công này. Theo kế hoạch của dự án các nhạc công này sẽ được tiếp nhận vào làm việc tại Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Huế thuộc Trung tâm BTDTCĐ Huế và sẽ được tiếp tục cho tập huấn bồi dưỡng nâng cao kỹ năng biểu diễn để trở thành lực lượng nhạc công trẻ nòng cốt trong tương lai.

4. Trao bằng khen và huy hiệu "Người tốt việc tốt" cho những người có nhiều đóng góp cho công cuộc bảo tồn di sản văn hoá Huế:

Nhân dịp này, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Trung tâm BTDT Cố đô Huế đã tổ chức trao bằng khen "Người tốt việc tốt" cho GSTS. Trần Văn Khê, GSTS. Tô Ngọc Thanh và Bà Edle Tenden- Điều phối viên chương trình văn hoá Văn phòng UNESCO Hà Nội để ghi nhận những đóng góp tích cực và hiệu quả đối với công cuộc bảo tồn và gìn giữ văn hóa của tỉnh Thừa Thiên Huế, nhất là đối với kiệt tác di sản Phi vật thể Nhã nhạc.