Kỳ họp lần thứ 2 của Ủy ban liên chính phủ có đại biểu chính thức của 24 nước thành viên Ủy ban, trong đó có Việt Nam(Đoàn Đại biểu Việt Nam tham dự gồm có đại diện lãnh đạo của Cục Di sản Văn hóa, UBQG UNESCO Việt Nam và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế); của 10 nước khác là thành viên Công ước; của 12 nước chưa tham gia công ước nhưng được phép dự với tư cách là quan sát viên, trong đó có Mỹ; của 12 tổ chức phi chính phủ thuộc hệ thống Liên hợp quốc cùng với Ban thư ký và nhiều chuyên gia của UNESCO. Chủ tịch điều hành kỳ họp là Ông Seiichi Kondo, Đại sứ Phái đoàn thường trực Nhật Bản bên cạnh UNESCO.
Trong phiên khai mạc kỳ họp của Ủy ban, Tổng giám đốc UNESCO-ông Koichiro Matsuura, đã đánh giá cao những nỗ lực trong thời gian qua của Nhật Bản trong công cuộc bảo tồn di sản phi vật thể. Ông Tổng giám đốc cũng đã đề cập đến mối quan tâm cấp thiết về việc bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể :“ Trong thời đại toàn cầu hóa, một di sản sống rất dễ bị tổn thương khiến chúng ta luôn phải quan tâm lo lắng, tuy nhiên sự phong phú của nó luôn làm cho chúng ta rất tự hào”.
Ủy ban đã thông qua Kế hoạch, Quy trình và tài liệu Hướng dẫn đăng ký di sản văn hóa phi vật thể vào các Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần được Bảo vệ khẩn cấp và Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Đại diện của Nhân loại. Tài liệu này sẽ được đề nghị Đại hội đồng phê chuẩn vào tháng 6/2008. Các quốc gia thành viên của Công ước 2003 sẽ được UNESCO mời đệ trình hồ sơ đăng ký vào tháng 9/2008 và theo kế hoạch đợt đầu tiên sẽ công bố vào tháng 9/2009.
Ủy ban đã thông qua tài liệu Hướng dẫn sử dụng các nguồn ngân sách của Quỹ Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể; tài liệu Hướng dẫn đệ trình các dự án hỗ trợ từ Quỹ để bảo vệ di sản cần bảo vệ khẩn cấp; để kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và các dự án cấp quốc gia, tiểu khu vực và khu vực nhằm mục đích bảo vệ di sản phi vật thể.
Ủy ban đã thông qua tài liệu Hướng dẫn hoạt động hợp tác quốc tế để thực hiện Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Nội dung này nhằm thực hiện điều 18 của Công ước, tăng cường hợp tác quốc tế thông qua các chương trình, dự án, hoạt động để tìm ra các bài học kinh nghiệm, các mô hình, các biện pháp tốt bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể.
Ủy ban đã quyết định việc sát nhập Kiệt tác Di sản truyền khẩu và phi vật thể của Nhân loại vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Đại diện của Nhân loại và thông qua tài liệu Hướng dẫn, quy trình sát nhập 90 di sản đã được công nhận là Kiệt tác Di sản truyền khẩu và phi vật thể của Nhân loại (Việt Nam hiện có 02 di sản là Nhã nhạc-Âm nhạc Cung đình Việt Nam và Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên) vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể Đại diện của Nhân loại bao gồm cả các Kiệt tác thuộc các nước chưa tham gia Công ước.
Ủy ban đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cộng đồng tham gia vào việc thực hiện Công ước nhằm bảo tồn các tập tục văn hóa, như các hình thức thể hiện và các truyền thống truyền khẩu, bao gồm ngôn ngữ như là một phương tiện của di sản văn hóa phi vật thể; nghệ thuật biểu diễn, tập tục xã hội, nghi lễ và các sự kiện lễ hội; kiến thức và các tập tục liên quan đến thiên nhiên và vũ trụ; và bí kíp sản xuất đã nối kết với nghề thủ công truyền thống (điều 15 của Công ước) và kêu gọi các quốc gia quan tâm hơn nữa và có những biện pháp hữu hiệu để thực hiện nội dung.
Ngoài những nội dung quan trọng nêu trên, Ủy ban cũng đã bàn và thông qua một số vấn đề như hướng dẫn tiêu chuẩn lựa chọn các tổ chức phi chính phủ để tư vấn cho UNESCO những vấn đề về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể;
Ủy ban cũng đã quyết định triển khai một cuộc thi sáng tạo logo di sản phi vật thể rộng khắp thế giới, logo di sản phi vật thể sẽ được đặt bên cạnh logo UNESCO cho tất cả các hoạt động của Tổ chức liên quan đến vấn đề bảo tồn và phát huy di sản phi vật thể. Để có thêm thông tin về cuộc thi này, bản tóm tắt thông tin dành cho các nhà thiết kế sẽ được đăng tải trên trang web của Ban Di sản văn hóa phi vật thể thuộc UNESCO ( www.unesco.org/culture/ich/doc/src/00232-EN-WORD)
Hiện nay Công ước 2003 về Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO đã có 80 quốc gia tham gia. Việt Nam chính thức tham gia Công ước này vào ngày 20/9/2005.